Truyền bá Phúc âm George_Whitefield

Tại Nhà thờ Crypt ở quê nhà Gloucester, Whitefield đã trình bày bài thuyết giáo đầu tiên. Ông sớm trở thành người lãnh đạo Câu lạc bộ thánh ở Oxford khi anh em nhà Wesley rời nước Anh để đến tân thế giới. Whitefield trở thành nhân vật nổi tiếng và được bàn luận đến nhiều nhất khi chấp nhận phương pháp của Hywel Harris và khởi sự thuyết giảng ngoài trời tại Hanham’s Mount, gần Kingswood. Năm 1738, trước khi đến Mỹ để quản nhiệm một nhà thờ ở Savannah, Georgia, ông mời John Wesley đến thuyết giảng ngoài trời lần đầu tiên tại Kingswood, rồi đến Blackheath, Luân Đôn. Năm sau, Whitefield trở về Anh và tiếp tục các buổi thuyết giáo ngoài trời.

Do bất đồng với John và Charles Wesley về Thần học Arminius, Whitefield thành lập và lãnh đạo các nhóm Giám Lý theo Thần học Calvin. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Whitefield cống hiến đời mình cho công cuộc truyền bá phúc âm và chuyên tâm với sứ mạng này cho đến cuối đời.

Có ba nhà thờ ở Anh mang tên ông: một tại Bristol, hai nhà thờ kia, "Moorfields Tabernacle" và "Tottenham Court Road Chapel", đều ở Luân Đôn. Ông cũng đảm nhận chức trách tuyên úy cho Selina, Nữ Bá tước Huntingdon, người bảo trợ cho Phong trào Giám Lý theo Thần học Calvin lúc ấy đang phát triển tại Anh và xứ Wales.

Sau một năm truyền bá phúc âm ở Mỹ, năm 1739 Whitefield trở về Anh để gây quỹ thành lập trại mồ côi Bethesda. Trại mồ côi này vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay và được xem là đơn vị từ thiện lâu đời nhất ở Bắc Mỹ. Khi trở lại Mỹ, ông tập trung vào nỗ lực phục hưng hội thánh mà các sử gia sau này gọi là cuộc Đại Tỉnh thức năm 1740. Từ tháng này sang tháng khác, Whitefield hầu như giảng luận mỗi ngày cho các đám đông có lúc lên đến vài ngàn người. Ông giong ruỗi đến khắp các khu định cư ở vùng New England. Cuộc hành trình trên lưng ngựa từ New York đến Charleston do Whitefield thực hiện vào lúc ấy được xem là chuyến đi dài nhất ở Bắc Mỹ của một người da trắng. Giống nhà thuyết giáo người Mỹ cùng thời với ông, Jonathan Edwards, Whitefield kiên định với Thần học Calvin theo khuynh hướng trung dung.